MÙA CHAY: THỜI GIAN ÂN SỦNG VÀ THỬ THÁCH
(Đnl 26:4-10; Rm 10:8-13; Lc 4:1-13)
Hôm nay, chúng ta cùng với Giáo Hội cử hành Chúa Nhật đầu tiên của Mùa Chay. Lời
Chúa ngày hôm nay tập trung vào một chủ đề chính, đó là, tuyên xưng Thiên Chúa là
Chúa duy nhất mà chúng ta tôn thờ. Trong bài đọc 1, dân chúng nói lên lời tuyên xưng
của mình vào Đức Chúa, Đấng đã chọn họ làm dân riêng của Người, đã giải phóng họ
khỏi nô lệ Ai Cập và đưa họ vào đất mà Ngài đã hứa cho Ápraham và con cháu ông đến
muôn đời. Vì vậy, để tỏ lòng biết ơn, họ dâng lên Đức Chúa những hoa màu ruộng đất họ
đã thu được: “Anh em sẽ đặt lễ vật trước tôn nhan Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, rồi
anh em phủ phục trước tôn nhan Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em” (Đnl 26:10). Điều
này nhắc nhở chúng ta rằng: Mỗi khi đến tôn thờ Đức Chúa, chúng ta không đến với đôi
bàn tay trắng, nhưng với lễ vật. Vậy, chúng ta có gì để dâng cho Chúa trong thánh lễ hôm
nay không?
Về phần mình, Thánh Phaolô trong bài đọc 2 kêu gọi tín hữu Rôma đặt trọn niềm tin vào
Đức Giêsu Kitô, Đấng đã sống lại từ cõi chết để mang ơn cứu độ cho mọi người.Tuy
nhiên, điều quạn trọng mà Thánh Phaolô muốn nhấn mạnh là sự gần gũi của lời Chúa
trong cuộc đời của mỗi người chúng ta: “Lời Thiên Chúa ở gần bạn, ngay trên miệng,
ngay trong lòng. Lời đó chính là lời chúng tôi rao giảng để khơi dậy đức tin” (Rm
10:8). Lời Chúa khơi dậy đức tin. Nhưng đây không phải là một đức tin chết, đức tin
không có việc làm, nhưng là một đức tin sống động. Thánh nhân diễn tả điều này qua
mối tương quan không thể tách rời giữa “tin trong lòng” và “tuyên xưng ra ngoài miệng”:
“Nếu miệng bạn tuyên xưng Đức Giê-su là Chúa, và lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm
cho Người sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu độ. Quả thế, có tin thật trong lòng,
mới được nên công chính; có xưng ra ngoài miệng, mới được ơn cứu độ” (Rm 10:9-
10). Đây chính là bối cảnh để giúp chúng ta hiểu bài Tin Mừng hôm nay. Cụ thể hơn,
Thánh Phaolô đưa ra hai yếu tố quan trọng như lăng kính để chúng ta đọc và hiểu bài
Tin Mừng hôm nay: tầm quan trọng của lời Chúa, và con người là thể thống nhất của hồn
[tin ở trong lòng] và xác [tuyên xưng ra ngoài miệng].
Trước khi phân tích bài Tin Mừng hôm nay từ hai lăng kính trên, chúng ta cùng nhau
trình bày ngắn gọn về ý nghĩa của Mùa Chay, để giúp chúng ta sống Mùa Chay trọn vẹn
hơn. Theo lịch sử, Mùa Chay nguyên thủy là khoảng thời gian mà trong đó Bí Tích Rửa
Tội được cử hành. Nói cách khác, Mùa Chay là khoảng thời gian mà trong đó những
người “ngoại giáo” [tân tòng] trở thành Kitô Hữu. Giáo Hội xem khoảng thời gian này là
hành trình của sự “biến đổi,” của sự “sám hối.” Tuy nhiên, theo thời gian, không chỉ
những tân tòng mà cả những hối nhân và cuối cùng toàn thể Giáo Hội biến khoảng thời
gian này thành “hành trình Mùa Chay” để nhắc nhở mọi người về hành trình của người
Kitô hữu: đây không phải là hành trình mà họ chỉ “đi một lần” vào ngày rửa tội và sau đó
sẽ chấm dứt. Không, đây là một hành trình mà họ phải đi suốt đời, là hành trình mà
trong đó họ phải luôn bắt đầu lại [metanoia – sám hối]. Như thế, mục đích chính của Mùa
Chay là giúp chúng ta ý thức rằng: “là” Kitô hữu đồng nghĩa với việc “trở thành” Kitô hữu
mỗi ngày. Nói cách khác, chúng ta phải sống trọn vẹn lời hứa mà chúng ta tuyên xưng
trong ngày rửa tội là từ bỏ ma quỷ và thuộc trọn về Thiên Chúa trong từng giây phút của
ngày sống của chúng ta.
Ý nghĩa thứ hai của Mùa Chay đến từ con số 40. Trong ngôn ngữ phụng vụ của mình,
Giáo Hội đặt tên Quadragesima, “thời gian 40 ngày,” cho Mùa Chay, mà chúng ta bắt đầu
với Thứ Tư Lễ Tro. Trong Mùa Chay, Giáo Hội sử dụng lối chú giải Kinh Thánh mang tính
biểu tượng để đặt chúng ta vào trong sự liên tục và trong bối cảnh thiêng liêng tương
xứng mà dân Israel xưa đã trải qua. Chúng ta tìm thấy con số 40 được lặp lại nhiều lần
trong Kinh Thánh: Mưa 40 ngày đêm trong lụt Đại Hồng Thủy; Dân Israel đi trong sa
mạc 40 năm; Môsê ở trên núi Sinai 40 ngày đêm để nhận Mười Điều Răn; Ngôn sứ Elia đi
40 ngày đêm để đến núi Horeb; David làm vua 40 năm; Chúa Giêsu ăn chay trong sa mạc
40 ngày đêm. Chúng ta tự hỏi: Điểm chính yếu của chuỗi 40 này là gì? Để hiểu ý nghĩa
của con số 40, chúng ta cần trở lại với lịch sử dân Israel, nhất là nhìn lại 40 năm mà họ
bước đi trong sa mạc. Thời gian này được xem như là thời gian của “chuyện tình đầu
tiên giữa Thiên Chúa và dân Israel”: Đây là khoảng thời gian mà Thiên Chúa nói chuyện
diện đối diện với dân Ngài, là thời gian mà Thiên Chúa ở giữa dân Ngài: Ngài đi trước họ
dưới hình đám mây và cột lửa, nuôi họ mỗi ngày với Manna, và ban cho họ nước uống
chảy ra từ tảng đá. 40 năm trong sa mạc thật sự là khoảng thời gian của yêu thương và
gần gũi cách đặc biệt với Thiên Chúa. Tuy nhiên, bên cạnh đó, đây cũng là khoảng thời
gian nguy hiểm nhất của sự cám dỗ tôn thờ ngẫu tượng [con bò vàng], của kêu trách và
chống lại Thiên Chúa. Nói cách khác, thời gian 40 năm trong sa mạc là thời gian mà dân
Israel đã tạo ra những “chúa khác” cho chính mình bởi vì Thiên Chúa, Đấng dường như
giữ khoảng cách với họ, không làm cho họ được thoả mãn.
Thật vậy, thời gian trong sa mạc là khoảng thời gian vật lộn với cám dỗ. Ngay cả Chúa
Giêsu cũng trải qua kinh nghiệm này. Đây chính là bối cảnh của bài Tin Mừng hôm nay.
Sau khi chịu phép Rửa, Chúa Giêsu chấp nhận số phận của Người Tôi Tớ của Yahweh: số
phận của một người từ bỏ chính mình và trở thành người đại diện cho mỗi người trong
chúng ta để đối diện với cám dỗ và đau khổ. Ngài đi vào trong sa mạc và hiện diện cách
trực tiếp với Chúa Cha, để rồi trong sự kết hiệp mật thiết với Chúa Cha, Ngài đối diện với
sự tấn công của ma quỷ. Trong khoảng thời gian trong sa mạc, cám dỗ đè nặng trên Ngài:
cám dỗ loại bỏ Lời Chúa ra khỏi cuộc đời để chạy theo cơm bánh; cám dỗ loại bỏ sự bất
lực [không tự vệ để lệ thuộc vào Thiên Chúa] để chạy theo vinh quang của quyền lực
chính trị; cám dỗ loại bỏ tình yêu để thử thách Thiên Chúa. Ba cám dỗ này dân Israel đã
đối diện xưa kia trong sa mạc và họ đã vấp ngã. Ngày hôm nay, chúng ta cũng đối diện
với ba cám dỗ này trong từng ngày sống. Chúng ta sẽ như thế nào: chiến thắng hay thất
bại? Giờ đây, chúng ta cùng nhau tập trung vào Chúa Giêsu, để học nơi Ngài cách thức
đối diện và chiến thắng cám dỗ.
Cám dỗ thứ nhất – cám dỗ loại bỏ Thiên Chúa để tôn thờ của cải vật chất: “Nếu ông là
Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hoá bánh đi!” (Lc 4:3). Đây là cám dỗ về bánh
ăn mà dân Israel đã đối diện trong sa mạc. Chúng ta thấy, ma quỷ luôn bắt đầu cám dỗ
bằng việc tấn công vào một nhu cầu căn bản về sự sống còn của đời sống thể lý hay vật
chất. Nhu cầu này là nhu cầu mà chúng ta đang rất cần. Chúng ta thấy rõ điều này qua
việc ma quỷ biết Chúa Giêsu đã ăn chay 40 ngày đêm và Ngài rất đói và khát, nên tấn
cống Ngài từ điểm yếu đó. Khi tấn công như thế, ma quỷ giảm nhân vị con người xuống
chỉ còn khía cạnh thể lý [thân xác] và chối bỏ linh hồn. Đối diện với cám dỗ này, Chúa
Giêsu dùng chính lời Chúa trích từ sách Đệ Nhị Luật 8:3 – “Đã có lời chép rằng: Người ta
sống không chỉ nhờ cơm bánh” (Lc 4:4). Trong câu trả lời này, Chúa Giêsu khẳng định
nhân vị và tính thống nhất của con người là có hồn và xác: Như thân xác cần bánh ăn thì
linh hồn cần được lời Chúa nuôi dưỡng. Một con người hoàn thiện là một con người
sống quân bình trong đời sống thiêng liêng và thể lý. Trong cám dỗ này, Chúa Giêsu
muốn dạy chúng ta rằng: Đừng giảm giá trị chính mình và người khác xuống còn khía
cạnh thể lý. Vì vậy, đừng tôn thờ và chạy theo cái ăn cái mặc cho thân xác mà quên mất
việc trau dồi nhân đức để trang điểm cho linh hồn.
Cám dỗ thứ hai – cám dỗ chạy theo vinh hoa phú quý và quyền lực thế gian dù đánh mất
chính mình: “Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước
này, vì quyền hành ấy đã được trao cho tôi, và tôi muốn cho ai tuỳ ý. Vậy nếu ông bái lạy
tôi, thì tất cả sẽ thuộc về ông” (Lc 4:6-7). Đây là cám dỗ tôn thờ ngẫu tượng [con bò
vàng] mà dân Israel đã vấp ngã trong sa mạc. Cám dỗ thứ hai này, có thể nói, tiếp nối
cám dỗ thứ nhất. Đây là cám dỗ tôn thờ một chúa khác ngoài Thiên Chúa thật. Cám dỗ
này đặt trước chúng ta một câu hỏi: Cái gì mang lại cho chúng ta quyền lực? Phải chăng
tiền tài hay danh vọng? Phải chăng là những mối tương quan của con người? Lần thứ hai
Chúa Giêsu dùng lời Kinh Thánh trong sách Đệ Nhị Luật [6:13] để trả lời: “Đã có lời chép
rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một
mình Người mà thôi” (Lc 4:8). Chúa Giêsu khẳng định lại vị trí tối thượng của Thiên
Chúa trong cuộc đời của Ngài và của mỗi người chúng ta. Chỉ nơi Thiên Chúa, chúng ta
tìm thấy mọi sự chúng ta cần.
Cám dỗ thứ ba – cám dỗ thử thách quyền năng của Thiên Chúa: “Nếu ông là Con Thiên
Chúa, thì đứng đây mà gieo mình xuống đi! Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền
cho thiên sứ gìn giữ bạn. Lại còn chép rằng: Thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi
vấp chân vào đá” (Lc 4:9-11). Đây là cám dỗ về việc thử thách Đức Chúa của dân Israel
tại mạch nước Mêriba. Cám dỗ này đi ngược lại với cám dỗ thứ nhất và có thể được gọi
là “duy thiêng liêng.” Trong cám dỗ thứ nhất, ma quỷ giảm con người thành “duy vật
chất” – chỉ có thân xác, còn trong cám dỗ này, ma quỷ giảm con người thành “duy thiêng
liêng” – chỉ có linh hồn. Lại một lần nữa, Chúa Giêsu chống lại cám dỗ bằng trích dẫn lời
Chúa trong sách Đệ Nhị Luật [6:16]: “Đã có lời rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là
Thiên Chúa của ngươi” (Lc 4:12). Trong câu trả lời của mình, Chúa Giêsu khẳng định về
việc phải vâng phục thánh ý Thiên Chúa dù phải chịu đau khổ và bị giết chết. Chúng ta
không nên thử thách Thiên Chúa bằng cách làm theo ý của mình.
Câu cuối cùng của bài Tin Mừng hôm nay là lời khuyến cáo mạnh mẽ cho mỗi người
chúng ta: “Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ Người, quỷ bỏ đi, chờ đợi thời cơ” (Lc
4:13). Quỷ không dễ dàng từ bỏ kế hoạch của chúng. Nó sẽ tìm cơ hội khác để tấn công
chúng ta, nhất là khi chúng ta thiếu cảnh giác, thiếu kết hiệp mất thiết với Thiên Chúa.
Có câu nói trong đời rằng: hãy khiêm nhường khi chiến thắng và hãy hy vọng và lạc
quan khi thất bại vì cuộc đời chúng ta là một bản nhạc được viết lên bởi những nốt
thăng trầm khác nhau. Để sống luôn tỉnh thức trước sự rình rập của ma quỷ, Giáo Hội
động viên chúng ta trong Mùa Chay phải học chấp nhận hoàn cảnh sống của mình trong
sự kiên nhẫn và với đức tin vững mạnh hầu bước theo Thiên Chúa một cách không sợ
hãi, dù nhiều khi chúng ta không thấy sự hiện diện của Ngài. Nếu chúng ta tiếp tục đi với
đức tin kiên trì, thì một ngày mới sẽ ló rạng từ bóng đêm đen. Ước mong thời gian Mùa
Chay là thời gian âm thầm hy sinh của chúng ta để ánh sáng tình người, tình Chúa lan
toả đến mọi nơi, mọi nhà và mọi tâm hồn.