SỨ SỐNG MỚI TRONG ÁNH SÁNG PHỤC SINH
(St 1:1 – 2:2; Xh 14:15 – 15:1a; Ed 36:16-17a.18-28; Rm 6:3-11; Lc 24:1-12)
Trọng tâm Phụng Vụ của đêm Vọng Phục Sinh hôm nay là Nến Phục Sinh. Phụng vụ được
bắt đầu với việc làm phép lửa và thắp nến phục sinh, tượng trưng cho Đức Giêsu Kitô là
ánh sáng thế gian. Ngài đến để chết và trỗi dậy hầu mang lại cho chúng ta, những người
đang đi trong thung lũng tối tăm và bóng của sự chết, ánh sáng và sự sống mới bất diệt.
Chúng ta cảm nghiệm được điều này qua phụng vụ đêm nay: nhà thờ chìm trong bóng
tối, ánh sáng của cây nến phục sinh sẽ làm bừng lên và chiếu sáng cho mọi người, vị chủ
tế sẽ xướng lên: “Ánh sáng Chúa Kitô,” và mọi người thưa lại: “Tạ ơn Chúa.” Từ cây nên
phục sinh, ánh sáng của Đức Kitô Phục Sinh được chuyền đi thắp sáng những cây nến
chúng ta cầm trên tay và làm cho ánh sáng đó chiếu sáng cho mọi người đang hiện diện
trong nhà thờ. Điều này có ý nghĩa gì? Cây nến chúng ta cầm trên tay gợi cho chúng ta
nhớ lại cây nến mà chúng ta đón nhận trong ngày Rửa Tội. Khi cây nến trong tay chúng
ta được thắp lên từ ngọn lửa của cây nến phục sinh, đức tin của chúng ta vào Đức Giêsu
Kitô phục sinh lại được thắp sáng. Ánh sáng đức tin đó không chỉ dành riêng cho chúng
ta mà được chuyền đi cho tất cả mọi người được quy tụ trong nhà thờ [hình ảnh của
Giáo Hội] để thắp sáng niềm tin cho họ. Như vậy, chúng ta không sống đức tin cho chính
mình, nhưng cho người khác, những người yếu đức tin hay những người mà ngọn nến
đức tin đã tắt từ lâu. Hãy giữ ngọn nến đức tin của chúng ta cháy sáng và hãy thắp sáng
niềm tin của người khác. Đó là sứ điệp đầu tiên của đêm vọng phục sinh hôm nay. Tóm
lại, khi chiêm ngắm ánh sáng của cây nến phục sinh, chúng ta được nhắc nhở hai điều:
Thứ nhất, ánh sáng mang lại cho chúng ta niềm vui vì thấy nhau và thấy Chúa trong đêm
đen của lịch sử nhân loại và lịch sử cuộc đời chúng ta; thứ hai, chúng ta phải bảo vệ ánh
sáng này trước những “làn gió” của sự tục hoá đang tìm mọi cách để làm tắt.
Trong đêm hôm nay, phụng vụ Lời Chúa có tất cả 7 bài đọc, 5 bài từ Cựu Ước và 2 bài từ
Tân Ước. Tuy nhiên, chúng ta thường chỉ nghe 5 trong 7 bài đọc, 3 bài từ Cựu Ước và 2
bài từ Tân Ước. Chúng ta để Lời Chúa trong phụng vụ đêm nay hướng dẫn chúng ta sống
mầu nhiệm phục sinh của Chúa Giêsu cách xứng đáng.
Trong bài đọc trích từ Sách Sáng Thế, chúng ta được nghe về công trình sáng tạo của
Thiên Chúa. Một trong những điệp khúc chúng ta nghe trong suốt công trình tạo dựng
đó là, “Thiên Chúa thấy [mọi sự Ngài đã sáng tạo] là tốt đẹp (x. St 1:3,10,12,18,21,25,31).
Khi nghe hết bản văn, chúng ta nhận ra một khác biệt nhỏ nhưng rất quan trọng trong
những lần khẳng định này. Khẳng định trong các câu 3, 10, 12, 18, 21, và 25 giống nhau
và đơn giản là: “Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp. Tuy nhiên, câu khẳng định trong câu 31,
sau khi Thiên Chúa sáng tạo con người, hoàn toàn khác biệt và sự khác biệt nằm ở “cấp
độ tốt lành”: “Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp!” Với sự hiện
diện của con người mọi sự được mang một cấp độ tốt lành cao hơn vì con người có nhân
phẩm cao quý, được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa (x. St 1: 26-27). Chính
nhân phẩm cao quý này mà khi con người phạm tội, Thiên Chúa đã đến để phục hồi lại
nhân phẩm cho họ. Đây chính là ý nghĩa của đêm nay. Nói cách khác, mầu nhiệm phục
sinh là “một sáng tạo mới.” Và qua sáng tạo này Thiên Chúa sẽ phục hồi mọi sự trở nên
“rất tốt đẹp.”
Bài đọc trích từ sách Xuất Hành là bài đọc Cựu Ước bắt buộc trong phụng vụ lời Chúa
đêm nay. Nó trình thuật cho chúng ta về biến cố Vượt Qua của người Do Thái. Qua biến
cố này, dân Do Thái được giải thoát khỏi cảnh nô lệ Ai Cập để đi vào đất Thiên Chúa đã
hứa cho tổ phụ của họ và con cháu đến muôn đời. Đêm nay, chúng ta cử hành mầu
nhiệm Vược Qua của chúng ta: cuộc Vượt Qua thoát khỏi cảnh nô lệ của tội lỗi để được
tự do làm con cái Thiên Chúa. Như Ngài đã chiến đấu chống lại người Ai Cập trong Cựu
Ước, Thiên Chúa cũng chiến đấu chống lại quyền lực ma quỷ qua Đức Giêsu Kitô. Đêm
nay, chúng ta được mời gọi để Vượt Qua con người cũ của mình, con người đã bị giam
cầm bởi những thói hư tật xấu, con người bị giam giữ trong nhà tù của tội lỗi. Chúng ta
được mời gọi để cho Thiên Chúa chiếm lấy chúng ta hầu biến chúng ta thành những con
người tự do để yêu thương, để tha thứ và để chiếm lấy phần đất gia nghiệp mà Chúa đã
hứa cho chúng ta.
Bài trích từ sách Ngôn Sứ Êdêkien ghi lại cho chúng ta những tâm tình đầy yêu thương
của Thiên Chúa trước sự phản bội của dân Israel và của mỗi người chúng ta. Những lời
của Thiên Chúa mang lại cho chúng ta hơi ấm của tình thương và sự an ủi: “Ta sẽ đem
các ngươi ra khỏi các dân tộc, sẽ quy tụ các ngươi lại từ khắp các nước, và sẽ dẫn các
ngươi về đất của các ngươi. Rồi Ta sẽ rảy nước thanh sạch trên các ngươi và các ngươi
sẽ được thanh sạch, các ngươi sẽ được sạch mọi ô uế và mọi tà thần. Ta sẽ ban tặng các
ngươi một quả tim mới, sẽ đặt thần khí mới vào lòng các ngươi. Ta sẽ bỏ đi quả tim bằng
đá khỏi thân mình các ngươi và sẽ ban tặng các ngươi một quả tim bằng thịt. Chính thần
trí của Ta, Ta sẽ đặt vào lòng các ngươi, Ta sẽ làm cho các ngươi đi theo thánh chỉ, tuân
giữ các phán quyết của Ta và đem ra thi hành. Các ngươi sẽ cư ngụ trong đất Ta đã ban
cho tổ tiên các ngươi. Các ngươi sẽ là dân của Ta. Còn Ta, Ta sẽ là Thiên Chúa các ngươi”
(Ed 36:24-28). Đêm nay, qua hơi ấm của ánh nến, chúng ta cảm nghiệm được hơi ấm
tình yêu Thiên Chúa để xua tan sự băng giá trong con tim vô cảm của chúng ta.
Về phần mình, Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Rôma nhắc nhở chúng ta về ý nghĩa
của Bí Tích Rửa Tội mà chúng ta đã lãnh nhận. Trong Bí Tích Rửa Tội, chúng ta được dìm
trong cái chết của Chúa Giêsu, và “vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã
cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ
quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới”
(Rm 6:4). Thánh Phaolô mời gọi chúng ta đóng đinh con người cũ của chúng ta vào thập
giá với Đức Kitô, để như thế, “con người do tội lỗi thống trị đã bị huỷ diệt, và chúng ta
không còn làm nô lệ cho tội lỗi nữa” (Rm 6:6). Như vậy, qua đêm nay chúng ta hoàn toàn
là con người mới trong Đức Kitô. Con người cũ của ghen ghét, hận thù, nóng giận, không
tha thứ, nghĩ xấu và nói xấu người khác không còn thống trị chúng ta. Thay vào đó là
một con người biết cảm thông, biết an ủi, biết yêu thương và biết tha thứ cho anh chị em
của chúng ta. Người nào không biến đổi như thế thì vẫn không hiểu được mầu nhiệm
phục sinh của Chúa Giêsu. Hãy làm cho sự phục sinh của Chúa Giêsu được hiện thực hoá
trong cuộc đời chúng ta.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Thánh Luca trình bày về buổi sáng phục sinh, ngày thứ
nhất trong tuần (x. Lc 24:1). Câu hỏi và giải thích của “hai người đàn ông y phục sáng
chói” cho các bà đi ra mồ của Chúa Giêsu khi trời vừa tảng sáng là lời “công bố đầu tiên
về Tin Mừng Phục Sinh” của Chúa Giêsu: “Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ
chết? Người không còn đây nữa, nhưng đã trỗi dậy rồi. Hãy nhớ lại điều Người đã nói
với các bà hồi còn ở Galilê, là Con Người phải bị nộp vào tay phường tội lỗi, và bị đóng
đinh vào thập giá, rồi ngày thứ ba sống lại” (Lc 24:5-7). Trong bài Tin Mừng, chúng ta có
thể nhận ra hai bằng chứng quan trọng sau đây về sự phục sinh của Chúa Giêsu.
Thứ nhất là sự kiện ngôi mộ trống: “Ngày thứ nhất trong tuần, vừa tảng sáng, các bà đi
ra mộ, mang theo dầu thơm đã chuẩn bị sẵn. Họ thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mộ. Nhưng
khi bước vào, họ không thấy thi hài Chúa Giêsu đâu cả” (Lc 24:1-3). “Ngôi một trống”
chính là bằng chứng đầu tiên về sự phục sinh của Chúa Giêsu. Điều này có ý nghĩa gì đối
với chúng ta ngày hôm nay? Thông thường, trong những ngôi mộ, chúng ta chỉ có những
xác chết không hồn với mùi thối của nó. Khi nói đến ngôi một trống là nói đến việc
không có thân xác tàn rữa trong nấm mồ, không có mùi thối của xác chết. Như vậy, sự
phục sinh của Chúa Giêsu đưa chúng ta ra khỏi tình trạng tàn rữa của thân xác trong
nấm mồ và cuộc sống của chúng ta trở nên của lễ như hương trầm nghi ngút dâng lên
Thiên Chúa với mùi hương đặc biệt. Mầu nhiệm hôm nay mời gọi chúng ta sống một
cuộc sống lành mạnh với tình yêu của Thiên Chúa, chứ không phải sống “như những cái
xác không hồn.” Đồng thời, chúng ta cũng được mời gọi để loại trừ những “mùi thối”
trong cuộc sống để mang đến cho người khác một mùi hương của tình mến và hy vọng.
Thứ hai, sự thay đổi thái độ của Phêrô và các môn đệ khác trước sự kiện phục sinh cũng
là điều đáng để chúng ta suy gẫm. Khi nghe các bà Maria Mácđala, bà Gioanna, và bà
Maria, mẹ ông Giacôbê kể về sự kiện ngôi mộ trống, Phêrô và các môn đệ không tin (x. Lc
24:8-11). Nhưng khi chính Phêrô nhìn thấy ngôi mộ trống, “ông rất đỗi ngạc nhiên về sự
việc đã xảy ra” (Lc 24:12). Kinh ngạc là thái độ cần thiết đầu tiên đứng trước mầu nhiệm
của Thiên Chúa. Khi kinh ngạc, chúng ta nói lên sự cao siêu của mầu nhiệm, đồng thời
tiếp tục tìm hiểu và mong ước được hiểu điều làm mình ngạc nhiên. Chi tiết quan trọng
khác đó là “nhưng khi cúi nhìn, ông [Phêrô] thấy chỉ còn có những khăn liệm thôi” (Lc
24:12). Chi tiết này cho thấy sự kiện phục sinh không phải là một sự “trộm xác” vì nếu
xác Chúa Giêsu bị trộm, những người trộm phải mang theo cả những khăn liệm dùng để
quấn xác Người, chứ không để lại. Tuy nhiên, điều chúng ta cần quan tâm trong chi tiết
thứ hai này là gì? Hay nói cách khác, chúng ta học được gì từ chi tiết này? Đứng trước
mầu nhiệm của Thiên Chúa, chúng ta phải có thái độ “kinh ngạc thánh.” Thật vậy, có bao
giờ chúng ta cảm thấy kinh ngạc và hãnh diện khi đến với Chúa không? Một cách cụ thể,
chúng ta thường hãnh diện khi được chia sẻ điều này điều kia với những người nổi
tiếng. Nhưng đây không chỉ là người nổi tiếng mà còn là Thiên Chúa của chúng ta. Ngài
không chỉ chia sẻ với chúng ta “một vài thứ” như các người nổi tiếng trong xã hội, Ngài
chia sẻ cho chúng ta tất cả mọi sự, ngay cả sự sống thần linh của Ngài. Vậy trong đêm
vọng phục sinh hôm nay, chúng ta được mời gọi thay đổi thái độ mỗi khi đến với Chúa.
Ngài mời gọi chúng ta đến với Ngài với thái độ kính trọng và yêu mến, kinh ngạc và hãnh
diện, tin tưởng và phó thác.