ĐỜI SỐNG YÊU THƯƠNG THA THỨ: CHỨNG CỚ CỦA SỰ PHỤC SINH
(Cv 10:34a.37-43; Cl 3:1-4; Ga 20:1-9)
Chúng ta đang tìm kiếm gì trong cuộc sống này? Tiền tài và danh vọng? Nghề nghiệp và
cơm áo? Tình yêu và cảm thông? Ai trong chúng ta cũng có một mục đích để sống, để tìm
kiếm. Tuy nhiên, nhiều người trong chúng ta vì quá lo lắng tìm kiếm những “thực tại
dưới đất” mà quên mất rằng mình cũng phải tìm kiếm những “thực tại trên trời” nơi mà
kho tàng của chúng ta không bị mối mọt đục khoét hay dòi bọ gặm nhấm. Thánh Phaolô
trong bài đọc 2 dạy các tín hữu Côlôsê rằng: “Thưa anh em, anh em đã được trỗi dậy
cùng với Đức Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự
bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ
đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới” (Cl 3:1-2). Thánh Phaolô không có ý nói là
chúng ta không quan tâm gì đến những thực tại trần thế. Chúng ta phải quan tâm. Điều
Ngài muốn nói cho chúng ta là những thực tại trần thế không phải là đích điểm của
chúng ta. Chúng chỉ là những phương tiện để chúng ta đạt đến những thực tại trên trời.
Vì vậy, chúng ta không “ngủ quên” trong những thực tại trần thế mà quên rằng khi chết,
chúng ta phải bỏ chúng lại đằng sau. Chúng ta phải nhớ rằng: “anh em đã chết, và sự
sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức Kitô nơi Thiên Chúa” (Cl 3:3). Mầu
nhiệm vượt qua của Chúa Giêsu phải được thực hiện trong cuộc sống của chúng ta.
Chúng ta đã cùng chết với Chúa Giêsu, chết đi con người cũ của thế gian để sống một
cuộc sống mới của nước trời. Đây chính là ý nghĩa đích thật của Mùa Phục Sinh mà
chúng ta bắt đầu hôm nay và chúng ta được mời gọi hiện thực hoá ý nghĩa đó trong cuộc
sống thường ngày của chúng ta. Nhưng đâu là những dấu hiệu cho tôi biết là tôi đang
sống mầu nhiệm phục sinh của Chúa Giêsu?
Việc Chúa Giêsu phục sinh là chân lý tuyệt đỉnh của niềm tin của chúng ta. Giáo Huấn của
Giáo Hội dạy chúng ta rằng: “Đức Giêsu Phục Sinh là chân lý tuyệt đỉnh của đức tin Kitô
giáo, được cộng đoàn tín hữu tiên khởi tin và sống như là chân lý trung tâm, được
Truyền Thống lưu truyền như chân lý căn bản, được các văn kiện Tân Ước xác lập, được
rao giảng như phần chủ yếu của mầu nhiệm Vượt Qua và Thập Giá: Đức Ki-tô từ cõi chết
sống lại, Người đã chết để chiến thắng tử thần và ban sự sống cho kẻ đã chết” (Sách
GLGHCG, số 638). Nhưng đâu là bằng chứng phục sinh của Chúa Giêsu? Lời Chúa trong
các bài đọc hôm nay, nhất là bài đọc 1 và bài Tin Mừng, trình bày cho chúng ta những
“bằng chứng” về sự Phục Sinh của Chúa Giêsu. Chúng ta cùng nhau chia sẻ về những
“bằng chứng” này và rút ra những đặc điểm cho biết chúng ta đang sống mầu nhiệm
Phục Sinh của Chúa Giêsu.
Chứng cớ thứ nhất, “những chứng nhân mắt thấy tai nghe.” Đây là bằng chứng quan
trọng nhất mà chúng ta thường đòi hỏi nơi những người làm chứng. Bài đọc 1 trình bày
cho chúng ta lời chứng của Thánh Phêrô. Trước tiên, chúng ta tự hỏi: Ở đâu Thánh
Phêrô có được sự can đảm để làm chứng cho Chúa Giêsu nếu không phải đã chứng kiến
sự phục sinh của Chúa Giêsu? Người mà trước khi Chúa Giêsu phục sinh đã hèn nhát
chối Ngài ba lần, giờ lại mạnh dạn không sợ hãi làm chứng cho Ngài: “Còn chúng tôi đây
xin làm chứng về mọi việc Người đã làm trong cả vùng dân Do thái và tại chính
Giêrusalem. Họ đã treo Người lên cây gỗ mà giết đi. Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho
Người trỗi dậy, và cho Người xuất hiện tỏ tường, không phải trước mặt toàn dân, nhưng
trước mặt những chứng nhân Thiên Chúa đã tuyển chọn từ trước, là chúng tôi, những kẻ
đã được cùng ăn cùng uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại” (Cv 10:39-
41). Chứng cớ thứ nhất mời gọi chúng ta học từ Thánh Phêrô và các tông đồ khác, biết
làm chứng cho Chúa Giêsu cách không sợ hãi qua một đời sống mới, một đời sống đụng
chạm đến tình yêu của Ngài trong đời sống phụng vụ và cầu nguyện, trong đời sống
phục vụ và yêu thương, trong đời sống tha thứ và cảm thông. Đây là dấu hiệu đầu tiên
cho biết chúng ta đang sống mầu nhiệm phục sinh của Chúa Giêsu: Làm chứng cho Chúa
Giêsu qua đời sống tốt lành, thánh thiện của mình.
Chứng cớ thứ hai, “ngôi mộ trống.” Theo truyền thống của Giáo Hội, hình ảnh “ngôi mộ
trống” là một trong những chứng cớ quan trọng về sự phục sinh của Chúa Giêsu. Chúng
ta trích ở đây Giáo Huấn của Giáo Hội trình bày về chứng cớ này: “Trong biến cố phục
sinh, yếu tố đầu tiên mà ta gặp là ngôi mộ trống, Tự nó, sự kiện này không phải là một
bằng chứng trực tiếp. Việc thân xác Đức Kitô không còn trong mộ có thể được giải thích
cách khác (x. Ga 20:13; Mt 28:11-l5). Dầu vậy, mọi người đều coi ngôi mộ trống là dấu
chỉ chủ yếu. Việc phát hiện mộ trống là bước đầu dẫn các môn đệ đến việc nhìn nhận
chính sự kiện Chúa sống lại. Đó là trường hợp các phụ nữ đạo đức (x. Lc 24:3,22-23),
tiếp đến là Phêrô (x. Lc 24:l2). Khi vào trong mồ trống và thấy “những băng vải để ở đó”
(Ga 20:6), người môn đệ Đức Giêsu yêu quý” (Ga 20:2) khẳng định rằng: “Ông đã thấy và
ông đã tin” (Ga 20:8). Điều này giả thiết rằng: khi thấy mộ trống (x. Ga 20:5-7), ông nhận
ra việc mất xác Chúa không phải là do loài người, và Đức Giêsu đã không đơn gian trở lại
cuộc sống trần thế như trường hợp Ladarô vậy (x.Ga 11,44)” (Sách GLGHCG, số 640).
Thánh Gioan trong bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta hay rằng, Phêrô và người môn
đệ được Chúa Giêsu yêu mến không tin và không hiểu phục sinh là gì cho đến khi nhìn
thấy ngôi mộ trống: “Ông Simôn Phêrô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ,
thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các
băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ
trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin. Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: theo
Kinh Thánh, Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết” (Ga 20:6-9).
Ngoài hai chứng cớ trên, chúng ta còn có chứng cớ thứ ba là những lần hiện ra của Chúa
Giêsu. Chứng cớ [thứ ba] sẽ được tường thuật trong những bài Tin Mừng của các Chúa
Nhật Phục Sinh. Giờ đây, chúng ta cùng nhau suy gẫm về Lời Chúa trong bài Tin Mừng để
nghe Chúa muốn nói gì với chúng ta.
Bài Tin Mừng trình thuật cho chúng ta phản ứng đầu tiên của ba nhân vật “thân tín” của
Chúa Giêsu: Maria Mácđala, Phêrô và người môn đệ Chúa Giêsu yêu mến. Như chúng ta
đã biết, Thánh Gioan thường sử dụng hình ảnh “tương phản” trong Tin Mừng của mình.
Chúng ta nhận ra điều này ngay trong câu đầu tiên: “Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần,
lúc trời còn tối, bà Maria Mácđala đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ” (Ga
20:1). Hình ảnh này được Thánh Gioan dùng ngay trong những câu đầu tiên của Tin
Mừng của mình để nói về Ngôi Lời như là sự sống và sự sáng của thế gian, sự sáng mà
bóng tối không thể diệt (x. Ga 1:1-18). Vì vẫn còn bị “bóng tối” của thập giá che phủ,
Maria Mácđala đã không nhận ra Chúa Giêsu đã phục sinh. Bà chỉ dừng lại ở việc “người
ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu” (Ga 20:20). Đối
với bà Maria Mácđala, Chúa Giêsu vẫn là một “xác chết” mà người khác đã lấy đi để ở chỗ
khác. Nói cách cụ thể hơn, đối với bà, sự thay đổi của Chúa Giêsu ở đây chỉ là sự thay đổi
“chỗ đặt” hay “chỗ ở” chứ không phải là sự thay đổi mang tính phục sinh nào. Điều này
có ý nghĩa gì với chúng ta? Điều này hàm ý dạy chúng ta rằng, chúng ta cũng đã nhiều lần
thay đổi “chỗ ở” [chủ động] hoặc “bị đặt nơi khác” [bị động], nhưng chúng ta không có tí
thay đổi nào trong đời sống của mình. Chúng ta vẫn ở lại trong tình trạng của “những cái
xác” không hồn, không có yêu thương và tha thứ. Chúng ta có nhiều thay đổi bên ngoài,
nhưng chúng ta không “phục sinh,” thay đổi để sống một đời sống có ý nghĩa hơn.
Những người sống mầu nhiệm phục sinh là những người sống một đời sống thay đổi để
trở nên tốt hơn, yêu thương hơn, tha thứ hơn và thánh thiện hơn cả bên trong lẫn bên
ngoài.
Hình ảnh thứ hai mà bài Tin Mừng đề nghị cho chúng ta suy gẫm là hình ảnh “chạy đua”
của Phêrô và người môn đệ được Chúa Giêsu yêu mến: “Ông Phêrô và môn đệ kia liền đi
ra mộ. Cả hai người cùng chạy” (Ga 20:3-4). Như chúng ta biết, trình thuật về sự Phục
Sinh của thánh Gioan bắt đầu với cuộc chạy đua mang tính huyền nhiệm của hai tông đồ
đến mộ. Theo các học giả Kinh Thánh, câu chuyện này có lẽ có ý định trình bày cho
chúng ta sự căng thẳng giữa “đặc sủng” và “chức vụ”, một sự căng thẳng nội tại trong
cộng đoàn của Thánh Gioan, trong Giáo Hội thời đó [và bây giờ]. Đồng thời, cuộc chạy
đua này cũng ám chỉ đến việc nhắc nhở cho chúng ta về các cuộc “chạy đua” chúng ta có
trong cuộc sống. Nói cách khác, cuộc chạy đua giữa Phêrô và người môn đệ được Chúa
Giêsu yêu mến ám chỉ dạy chúng ta rằng: trong cuộc sống có nhiều cuộc chạy đua, tuy
nhiên, chỉ có một loại “tranh đua” chính đáng để thực hiện, đó là sự cạnh tranh để đi
theo sát Chúa Giêsu hơn, để có một đức tin sâu hơn, và để có một đời sống sẵn sàng trao
ban và phục vụ trong yêu thương hơn.