Thứ Ba Trong Tuần Bát Nhật

TÔI ĐÃ THẤY CHÚA GIÊSU VÀ TÔI LÀM CHỨNG

(Cv 2:36-41; Ga 20:11-18)

Trong phần đầu của sách Công Vụ Các Tông Đồ, chúng ta sẽ nghe về Thánh Phêrô giảng
dạy. Là người được Chúa Giêsu đặt làm đầu trong các môn đệ [và Giáo Hội], Thánh
Phêrô được trình bày như là người giảng dạy và làm chứng có uy quyền nhất sau khi
Chúa Giêsu lên trời. Hôm qua, trong bài giảng của Thánh Phêrô, chúng ta đã thấy được
Kerygma của Giáo Hội, và trong bài giảng hôm nay, Thánh Phêrô đã làm chứng rằng
Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế và đã có ba ngàn người tin vào lời chứng của Thánh Phêrô
và gia nhập Kitô giáo.
Trong bài đọc 1, chúng ta thấy có một sự thay đổi tận căn trong những người Do Thái
nghe Thánh Phêrô làm chứng về Chúa Giêsu: “Toàn thể nhà Israel phải biết chắc điều
này: Đức Giêsu mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa
và làm Đấng Kitô” (Cv 2:36). Chắc chắn rằng trong số này có người không “trực tiếp”
đóng đinh Chúa Giêsu. Tuy nhiên, họ nhận ra trong lời giảng của Thánh Phêrô rằng họ
đóng đinh Chúa Giêsu khi họ không kêu lên với Philatô để tha cho Ngài thay vì tha cho
Barnabas, khi họ để cho chính mình bị ảnh hưởng bởi đám đông để không dám làm
chứng cho sự thật và nhất là khi họ phạm tội. Nhận ra điều này, nên khi nghe Thánh
Phêrô nói “họ đau đớn trong lòng” (Cv 2:37). Đau đớn trong lòng là bước đầu tiên trong
quá trình trở về với Chúa. Và Thánh Phêrô lập lại sứ điệp sám hối của Chúa Giêsu: “Anh
em hãy sám hối, và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô, để được ơn
tha tội; và anh em sẽ nhận được ân huệ là Thánh Thần” (Cv 2:38). Chúng ta tự hỏi: Tại
sao Thánh Phêrô lại có khả năng thuyết phục như thế? Sự thuyết phục của Thánh Phêrô
không hệ tại ở chính khả năng của ngài, nhưng dựa vào những lời ngài rao giảng. Nói
cách cụ thể, Thánh Phêrô “lặp lại” những gì Chúa Giêsu đã nói. Ngài chỉ đơn giản để cho
sứ điệp này được vọng lại trong chính cuộc đời của mình. Ngài chứng minh cho lời giảng
của Chúa Giêsu bằng chính sự biến đổi của mình, từ một người chối Chúa trở thành
người mạnh dạn làm chứng cho Chúa. Như vậy, Thánh Phêrô đã sống điều Chúa Giêsu
rao giảng và biến nó trở thành chính điều ngài rao giảng. Điều này nhắc nhở chúng ta
rằng: không có bài giảng nào có ảnh hưởng lớn trên người khác cho bằng việc sống lời
Chúa Giêsu giảng dạy và biến nó thành xương thịt của mình trước khi nói cho người
khác. Hay nói cách khác, “gương sáng nói lớn hơn ngôn từ.”
Giống như những người Do Thái trong bài đọc 1 hôm nay, Maria Magdala cũng đã có
một sự thay đổi tận căn: từ một người buồn bã khóc than đến một người tràn đầy niềm
vui. Điều này xảy ra vì bà đã được Chúa Giêsu gọi chính tên, đã nhận ra và đã được nhìn
thấy Ngài. Điều này ám chỉ cho chúng ta sự thật này: tất cả những ai gặp Chúa Giêsu sẽ
tìm thấy được niềm vui. Nếu chúng ta đến với Chúa mà không có niềm vui, chúng ta sẽ
không thể nghe và nhận ra được tiếng Ngài gọi tên chúng ta và vì vậy sẽ không gặp được
Ngài. Mỗi khi đến với Chúa, nếu chúng ta không muốn gặp Ngài, thì ít ra chúng hãy cho
phép Ngài gặp chúng ta. Đừng trốn trong những khái niệm cao siêu “về Ngài,” đừng trốn
trong “đống lo lắng,” đừng trốn sau bức tường của ghen tỵ và hận thù, và đừng trốn
trong nấm mồ của sự cô đơn và chia rẽ của chúng ta. Hãy để cho Chúa Giêsu gặp chúng
ta! Hãy ra khỏi những gì chia cắt chúng ta với Chúa Giêsu và người khác.
Giờ đây, chúng ta cùng nhau phân tích bài Tin Mừng hôm nay để khám phá ra những yếu
tố cần thiết giúp chúng ta ra khỏi nấm mồ của chúng ta để phục sinh và sống một đời

sống mới với Chúa Giêsu. Chúng ta nhận thấy trong bài Tin Mừng những chuyển biến
sau:
Hành động và thái độ của Maria Magdala trước khi gặp Chúa Giêsu: “Khi ấy, bà
Maria Magdala đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc. Bà vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào
trong mộ, thì thấy hai thiên thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt thi hài của Đức Giêsu,
một vị ở phía đầu, một vị ở phía chân. Thiên thần hỏi bà: ‘Này bà, sao bà khóc?’ Bà thưa:
‘Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu!’” (Ga 20:11-13).
Chúng ta lưu ý những hành động của Maria: “bà đứng ngoài, gần bên mộ, mà khóc.” Bà
không đi vào trong mộ như Thánh Phêrô và môn đệ được Chúa Giêsu yêu để “thấy và
tin.” Chúng ta không biết lý do tại sao bà không vào. Có lẽ bà sợ không dám đối diện với
nỗi đau của bà hoặc cũng có thể là bà không được phép vào. Điều rõ ràng là bà vẫn để
cho nỗi đau hoàn toàn chiếm ngự chính mình để rồi chỉ muốn đi tìm lại một Đức Giêsu
đã chết. Đây cũng là thái độ của nhiều người trong chúng ta. Nhiều lần, chúng ta cũng đi
tìm một “Thiên Chúa đã chết,” một Thiên Chúa mà chúng ta có thể đặt đâu chúng ta tuỳ
thích, một Thiên Chúa làm theo ý muốn của chúng ta. Khi làm như thế, chúng ta sẽ
không bao giờ nhận ra Ngài, vì Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là
của kẻ sống.
Cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và Maria Magdala:
Người dẫn: Nói xong, bà quay lại và thấy Đức Giêsu đứng đó, nhưng bà

không biết là Đức Giêsu.”
Chúa Giêsu: “Này bà, sao bà khóc ? Bà tìm ai?”
Maria Magdala: (tưởng là người làm vườn): “Thưa ông, nếu ông đã đem
Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ
đem Người về.” 
Chúa Giêsu: “Maria!”
Maria Magdala: “Rápbuni !” (nghĩa là ‘Lạy Thầy’). 
Chúa Giêsu: “Thôi, đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha.
Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: ‘Thầy lên cùng Cha
của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của
Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em’.” 

Cuộc đối thoại [gặp gỡ] giữa Chúa Giêsu và bà Maria Magdala là một cuộc đối thoại tuyệt
vời nhất để nói lên tương quan giữa người gọi và người được gọi. Như chúng ta đã biết,
trong Tin Mừng Thánh Gioan, Chúa Giêsu luôn là người đi bước trước trong tất cả các
cuộc đối thoại. Cuộc đối thoại này cũng vậy, Chúa Giêsu bắt đầu với “cảm xúc” mà Maria
Magdala đang cảm nhận, cảm xúc “buồn sầu khóc lóc.” Lúc đầu, Chúa Giêsu sử dụng danh
từ chung dành cho mọi người phụ nữ để gọi bà, đó là “thưa bà [chị].” Khi được gọi như
thế, bà Maria đã “tưởng Chúa Giêsu là người làm vườn.” Nhưng khi Chúa Giêsu “gọi đích
danh” của mình, bà Maria ngay lập tức nhận ra Thầy của mình. Gọi tên là để thiết lập mối
quan hệ. Trong hai lần gọi này, chúng ta nhận ra có sự thay đổi trong mối tương quan: Từ
mối tương quan chung chung [“này bà”] đến mối tương quan “cá vị.” Điều này nói cho
chúng ta điều gì? Tương quan của chúng ta với Thiên Chúa [Chúa Giêsu] phải là một mối
TƯƠNG QUAN CÁ VỊ. Thiên Chúa yêu tôi và người khác như nhau, nhưng Thiên Chúa yêu
tôi “theo cách thức mà tôi là” chứ không theo cách thức Ngài dùng để yêu người khác.
Thật vậy, giữa người gọi và người được gọi luôn hiện diện một mối tương quan cá vị, chứ
không dừng lại ở mối tương quan chung chung.

Hành động và thái độ của Maria Magdala sau khi gặp Chúa Giêsu: “Bà Maria Magdala
đi báo cho các môn đệ: ‘Tôi đã thấy Chúa,’ và bà kể lại những điều Người đã nói với bà”
(Ga 20:18). Trong những lời này, chúng ta thấy Maria Magdala làm hai điều sau đây khi
đã thấy Chúa Giêsu, đó là “đi” và “kể lại.” Đây là hành động của những người được sai đi,
hành động của những người môn đệ khi đã “nhìn thấy Chúa.” Thật vậy, những ai đã nhìn
thấy Chúa họ không thể giữ Ngài cho chính mình, nhưng sẽ trở thành người “được sai đi”
để nói “lại những gì Chúa đã nói với mình.” Niềm vui có Chúa là niềm vui dành cho hết
mọi người. Đây chính là điều Chúa mời gọi chúng ta: hãy mang niềm vui được nhìn thấy
Chúa cho người khác.