Thứ Bảy Trong Tuần Bát Nhật

CHÚA LUÔN TIN TƯỞNG Ở CHÚNG TA
(Cv 4:13-21; Mc 16,9-15)

Trong bài đọc 1 hôm nay, chúng ta tiếp tục nghe lời chứng của Phêrô và Gioan trước
công hội. Sự thay đổi nơi Phêrô và Gioan sau sự kiện Phục Sinh đã làm các thủ lãnh Do
Thái, các kỳ mục và kinh sư ngạc nhiên. Họ ngạc nhiên vì thấy hai ngài “mạnh dạn, và
biết rằng hai ông là những người không có chữ nghĩa, lại thuộc giới bình dân. Họ nhận ra
hai ông là những người đã từng theo Đức Giêsu; đồng thời họ lại thấy người đã được
chữa lành đứng đó với hai ông, nên họ không biết đối đáp thế nào” (Cv 4:13-14). Chúng
ta nhận ra ở đây một điều đáng suy gẫm, đó là khi những người “không học thức” để cho
ánh sáng của phục sinh chiếu toả trên họ, hay nói một cách đơn giản, khi những người
“bé mọn” để cho Chúa Giêsu Phục Sinh biến đổi mình thành con người mới, họ sẽ trở
nên những nhân chứng thuyết phục đến nỗi những người tự xưng là “có học thức, có
chữ nghĩa và có bằng cấp” không thể nào sánh với họ.
Đứng trước lời chứng đầy thuyết phục của Thánh Phêrô và Gioan, Thượng Hội Đồng
phải công nhận lời chứng của các ngài: “Ta phải xử làm sao với những người này? Họ đã
làm một dấu lạ rành rành: điều đó hiển nhiên đối với mọi người cư ngụ tại Giêrusalem,
và ta không thể chối được” (Cv 4:16). Tuy nhiên, họ không muốn ra khỏi sự chai đá của
họ. Họ không muốn đối diện với sự thật là họ đã sai trong việc đóng đinh Chúa Giêsu.
Điều này cũng thường xảy ra trong cuộc sống của chúng ta khi chúng ta để lòng chúng ta
trở nên chai đá dù chúng ta thấy Chúa đã thực hiện thật nhiều phép lạ cho chúng ta. Nói
cách khác, nhiều lần chúng ta không chấp nhận mình sai. Chúng ta luôn cho anh chị em
chúng ta sai và ngăn cấm họ làm những điều tốt nhân danh Chúa vì chúng ta sợ người
anh chị em của mình có tầm ảnh hưởng rộng hơn mình. Đừng sợ anh chị em của mình có
ảnh hưởng tốt trên người khác hơn mình. Nhưng hãy sợ chính mình không ảnh hưởng
tốt trên người khác, hay để người khác ảnh hưởng xấu trên mình.
Đứng trước thái độ chống đối và đe doạ của Thượng Hội Đồng, Thánh Phêrô và Gioan
không sợ hãi. Chính sự can đảm làm chứng cho Chúa Giêsu, làm chứng cho sự thật của
các ngài mà “ai nấy đều tôn vinh Thiên Chúa vì việc đã xảy ra” (Cv 4:21). Điều đáng ngạc
nhiên ở đây là mọi người không ca ngợi tôn vinh Thánh Phêrô và Gioan, nhưng là tôn
vinh Thiên Chúa. Điều này xảy ra vì Thánh Phêrô và Gioan không để cho cái bóng của
mình che mờ Đấng họ làm chứng. Hay nói theo ngôn từ của bài đọc là các ngài nghe lời
Thiên Chúa hơn là nghe lời con người (x. Cv 4:19). Và điều Thiên Chúa muốn là họ phải
làm chứng cho “những gì tai đã nghe, mắt đã thấy” (Cv 4:20). Điều này nhắc nhở chúng
ta rằng: khi chúng ta làm việc cho Chúa [khi chúng ta phục vụ], đừng tìm vinh danh cho
chính mình, đừng để cho cái bóng của mình che khuất bóng Thiên Chúa. Khi người đời
tôn vinh chúng ta hơn là tôn vinh Thiên Chúa qua việc phục vụ của mình, chúng ta cần
xem xét lại liệu chúng ta đang rao giảng về Thiên Chúa hay đang rao giảng về chính
mình.
Đề tài rao giảng là lệnh truyền của Chúa Giêsu cho các môn đệ mà chúng ta nghe trong
bài Tin Mừng hôm nay. Đoạn Tin Mừng chúng ta nghe hôm nay, theo các tác giả Kinh
Thánh, là đoạn kết được thêm vào Tin Mừng Thánh Máccô sau này [có thể vào thế kỷ
thứ hai]. Như vậy, Tin Mừng Thánh Máccô kết ở câu 8. Có nhiều lý do đưa ra để biện
minh cho việc thêm vào đoạn kết này. Tuy nhiên, đó không phải là điểm chúng ta cần
chú ý, vì điều chúng ta quan tâm ở đây là sứ điệp Chúa muốn nói với chúng ta qua đoạn
Tin Mừng này. Đâu là sứ điệp mà Chúa muốn nói với chúng ta?

Khi đọc kỹ bài Tin Mừng, chúng ta thấy đây chính là bản tóm tắt của những lần Chúa
Giêsu hiện ra cho Maria Magdala và các môn đệ mà được Thánh Luca và Gioan trình
thuật lại cách chi tiết. Điểm chung của bài Tin Mừng và bài đọc 1 là sự “cứng lòng tin.”
Như chúng ta đã trình bày trong bài đọc 1, các thủ lãnh Do Thái, các kỳ mục và kinh sư
cứng lòng tin dù đã chứng kiến phép lạ Thánh Phêrô và Gioan thực hiện. Chúng ta thấy
sự cứng lòng tin này nơi các môn đệ khi bà Maria Magdala và hai môn đệ trên đường
Emmaus kể cho họ nghe về việc Chúa Giêsu phục sinh (x. Mc 16:11, 13). Và Chúa Giêsu
“khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã
được thấy Người sau khi Người trỗi dậy” (Mc 16:14). 
Tuy nhiên, điều làm chúng ta kinh ngạc và đáng suy gẫm là việc Chúa Giêsu tiếp tục “đặt
niềm tin” vào những người “cứng lòng tin.” Ngài tiếp tục chọn họ và sai họ đi rao giảng
Tin Mừng: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ
tạo” (Mc 16:15). Điều này gợi cho chúng ta hai điều: thứ nhất, Chúa Giêsu vẫn tiếp tục
đặt niềm tin vào chúng ta dù chúng ta là những người đã bao lần yếu đuối và sa ngã.
Ngài vẫn tiếp tục mời gọi chúng ta cộng tác với Ngài trong công việc rao giảng Tin Mừng.
Vì vậy, chúng ta phải trân trọng ơn gọi Kitô hữu [thánh hiến] của mình để sống xứng
đáng với sự tin tưởng của Chúa Giêsu. Thứ hai, chúng ta được mời gọi tin tưởng anh chị
em của mình, những người đã có lần làm chúng ta “mất niềm tin”. Điều này không dễ
dàng đối với chúng ta, nhưng không phải không thể. Người không cảm nhận được sự tin
tưởng của Chúa dành cho mình sau bao lần mình bất tín thì cũng sẽ không tin tưởng vào
người khác sau khi bị người khác bất tín.