TỪ BỎ SỰ LẠNH LÙNG CỦA NGÔI MỘ ĐỂ SỐNG NIỀM VUI PHỤC SINH
(Cv 2:14.22b-33; Mt 28:8-15)
Trong Mùa Phục Sinh, các bài đọc 1 được lấy từ sách Công Vụ các Tông Đồ. Vào khoảng
cuối thế kỷ thứ hai, cuốn sách này được gán cho Thánh Luca. Theo các học giả Kinh
Thánh, sách Công Vụ các Tông Đồ là cuốn thứ hai trong bộ sách hai cuốn của Thánh Luca
viết về lịch sử Kinh Thánh [Tin Mừng Thánh Luca là cuốn thứ nhất]. Cuốn sách này trình
bày ơn cứu độ được hứa cho dân Israel trong Cựu Ước, được Đức Giêsu Kitô hoàn thành
và dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần đã được mang đến cho dân ngoại như thế
nào. Công Vụ các Tông Đồ được viết khoảng năm 80-90 AD.
Trong bài đọc 1 hôm nay, chúng ta tìm thấy điều được gọi là Kerygma [“giảng dạy”]. Từ
này được dùng để trình bày nội dung sứ điệp của các Tông Đồ về Chúa Giêsu. Thánh
Phaolô nhắc nhở chúng ta trong Thư gởi tín hữu Rôma [10:14] rằng, Kerygma là điều
thiết yếu mà chúng ta phải tin để được ơn cứu độ. Chúng ta tìm thấy Kerygma trong lời
giảng dạy của Thánh Phêrô: “Theo kế hoạch Thiên Chúa đã định và biết trước, Đức Giêsu
ấy đã bị nộp, và anh em đã dùng bàn tay kẻ dữ đóng đinh Người vào thập giá mà giết
đi. Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại, giải thoát Người khỏi những đau khổ
của cái chết. Vì lẽ cái chết không tài nào khống chế được Người mãi. (Cv 2: 23-24).
Những lời này được Thánh Phêrô lập lại trong đoạn tiếp theo: “Người đã chết và được
mai táng, và mộ của người còn ở giữa chúng ta cho đến ngày nay. Nhưng vì là ngôn sứ và
biết rằng Thiên Chúa đã thề với người là sẽ đặt một người trong dòng dõi trên ngai vàng
của người, nên người đã thấy trước và loan báo sự phục sinh của Đức Kitô khi nói:
Người đã không bị bỏ mặc trong cõi âm ty và thân xác Người không phải hư nát. Chính
Đức Giêsu đó, Thiên Chúa đã làm cho sống lại; về điều này, tất cả chúng tôi xin làm
chứng” (Cv 2:29-32). Đọc những lời này, chúng ta có thể nhận ra những yếu tố sau đây
của Kerygma: Chúa Giêsu đã bị nộp, bị đóng đinh, chết và đã phục sinh [sống lại]. Đây là
nội dung của lời rao giảng đầu tiên của các tông đồ. Nói cách khác, sứ điệp về Chúa Giêsu
mà các Tông Đồ rao giảng là Ngài đã chết cho chúng ta, đã sống lại và sẽ đến trong vinh
quang. Như vậy, sứ điệp đầu tiên của Tin Mừng là sứ điệp Thập Giá và Phục Sinh của
Chúa Giêsu, sứ điệp của cuộc “vượt qua” từ sự chết đến sự sống của Chúa Giêsu. Như
Thánh Phêrô và các Tông Đồ, chúng ta cũng được mời gọi để rao giảng sứ điệp của cuộc
vượt qua của Chúa Giêsu trong ngày sống của mình. Qua lời nói, cử chỉ và hành động của
mình, chúng ta phải tỏ cho người khác biết rằng chúng ta đang sống mầu nhiệm Phục
Sinh của Chúa Giêsu, đó là chúng ta đã chết đi cho con người cũ của mình và đang sống
con người mới đầy yêu thương trong Đức Kitô.
Bài Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta về việc hiện ra của Chúa Giêsu. Đây là
chứng cớ thứ hai chứng minh về sự Phục Sinh của Chúa Giêsu ngoài chứng cớ về ngôi
mộ trống. Trong bài Tin Mừng, Thánh Mátthêu trình bày cho chúng ta thấy phản ứng
khác nhau trước sự kiện phục sinh của Chúa Giêsu. Các người phụ nữ “vội vã rời khỏi
mồ,” rời khỏi nơi “chôn kẻ chết.” Đây là dấu hiệu đầu tiên của sự phục sinh, đó là đi ra
khỏi “vùng đất tối tăm và bóng của sự chết” cách “nhanh chóng.” Dấu hiệu cho biết
chúng ta đang sống mầu nhiệm Phục Sinh là chúng ta “nhanh chóng” rời bỏ những thói
hư tật xấu, những thái độ không tốt không hay mà giam giữ chúng ta trong “ngôi mộ”
của sự lạnh lùng và vô cảm trước lời mời gọi nên thánh của Thiên Chúa.
Chúng ta thấy nơi các người phụ nữ có một cảm giác hỗn hợp giữa “sợ hãi nhưng cũng
rất đỗi vui mừng, chạy về báo tin cho môn đệ Đức Giêsu hay” (Mt 28:8). Trong tâm lý
học, cảm giác hỗn hợp giữa sợ hãi và niềm vui thường xảy ra cho những người chuẩn bị
lập gia đình. Nhìn từ khía cạnh này, hình ảnh “hôn nhân” [Giữa Đức Kitô và Hội Thánh]
được hàm chứa trong bối cảnh của sự phục sinh. Nỗi sợ hãi của các bà bị tan biến và
niềm vui của các bà vỡ oà khi “Chúa Giêsu đón gặp các bà.” Khi gặp Chúa Giêsu, nỗi sợ
hãi và niềm vui đã nhường chỗ cho hành vi “tôn thờ”: “Các bà tiến lại gần Người, ôm lấy
chân, và bái lạy Người” (Mt 28:9). Và Chúa Giêsu đã trao cho các bà sứ mệnh: “Chị em
đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Galilê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó” (Mt
28:10). Các bà trở thành “tông đồ của các tông đồ.” Nói cách khác, các bà là những chứng
nhân đầu tiên của sự phục sinh. Tuy nhiên, điểm chúng ta lưu ý trong câu 10 là việc Chúa
Giêsu gọi các môn đệ là “anh em của Thầy.” Câu này hàm chứa sự tha thứ của Chúa Giêsu
cho kẻ đã “chối Ngài,” và những kẻ đã “bỏ Ngài.” Dấu ấn của phục sinh là chúng ta “biến
kẻ thù, biến những người làm chúng ta đau khổ, biến những người xúc phạm đến chúng
ta, biến những người chúng ta không thích thành anh chị em của chúng ta.”
Một cách tổng quát, bài Tin Mừng hôm nay trình bày về một chân lý thường xảy ra trong
đời sống thường ngày của chúng ta, đó là cùng một sự kiện nhưng có những thái độ,
phản ứng và lối giải thích khác nhau. Người có cảm tình phản ứng và giải thích khác với
người không có cảm tình; người vui giải thích sự kiện khác với người buồn; người tin thì
phản ứng và giải thích khác với người không tin. Thật vậy, cùng sự kiện Chúa Giêsu phục
sinh, nhưng các người phụ nữ và các môn đệ tin vì họ có “cảm tình” với Chúa Giêsu,
trong khi đó các thượng tế thì không tin và giải thích khác về sự kiện: “Các anh hãy nói
như thế này: ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm xác”
(Mt 28:13). Điều này nhắc nhở chúng ta rằng: trước một sự kiện sẽ có nhiều phản ứng
và lối giải thích khác nhau. Đây là điều hiển nhiên vì chúng ta mang những tâm trạng
khác nhau và đứng trên những quan điểm khác nhau để nhìn và giải thích sự kiện. Vì
thế, chúng ta đừng có kết án người khác và cho là họ không đúng. Phản ứng đúng nhất là
“lắng nghe” và tìm ra điểm chung, điểm hiệp nhất chúng ta lại với nhau và với Chúa. Và
khi chúng ta có “phản ứng tiêu cực” trước một sự kiện hay một người nào đó, hãy “làm
việc” trên phản ứng tiêu cực của mình trước khi tìm cách giải thích và thay đổi sự kiện
hay người khác.
Điểm cuối cùng của bài Tin Mừng hôm nay làm chúng ta suy gẫm là hành động “cộng tác
trong công việc sai trái” giữa các thượng tế và lính gác. Các thượng tế thì “cho lính một
số tiền lớn” và dạy lính canh “nói dối” [hay bóp méo sự thật] (x. Mt 28:12-13), còn các
lính canh thì “nhận tiền và làm theo lời [các thượng tế] dạy” (Mt 28:15). Đây cũng chính
là điều thường xảy ra trong ngày sống của chúng ta. Chúng ta “cộng tác” vào “việc xấu”
của người khác bằng nhiều cách, như lắng nghe nói xấu rồi “thêm dầu vào lửa,” khuyên
người khác làm điều xấu, v.v. Hơn thế nữa, nhiều khi chúng ta như các thượng tế, thay vì
làm chứng cho sự thật, chúng ta tìm mọi cách để bóp méo sự thật; hoặc như các lính
canh, vì một vài lợi ích vật chất cho cá nhân, chúng ta sẵn sàng bóp méo sự thật để hãm
hại anh chị em của mình. Phục sinh là mùa mời gọi chúng ta sống đúng và sống thật với
ơn gọi Kitô hữu và đời sống mới trong Đức Kitô.