Thứ sáu bát nhật Phục sinh

Thứ sáu bát nhật Phục sinh
Chúa hiện ra ở bờ biển hồ Tibêria

(Ga 21,1-14)

  1. Bài Tin Mừng hôm nay là phần cuối của Tin Mừng Gioan. Gioan viết để tường thuật về
    việc Chúa hiện ra với các Tông đồ trên bờ biển hồ Tibêria. Nhờ mẻ cá lạ mà các Tông đồ nhận ra
    Chúa. Người đầu tiên nhận ra Chúa là Gioan, và kế đến là các Tông đồ khác. Cuối cùng, là một
    bữa ăn thân mật bên bờ hồ sau khi Thầy trò đã nhận ra nhau.
  2. Tin mừng cho biết, lúc đó ông Phêrô cùng 6 ông khác là Tôma, Nathanael, Giacôbê,
    Gioan và hai môn đệ khác không kể rõ tên, tất cả là bảy người. Đêm hôm đó các ông cùng nhau
    đi thả lưới bắt cá nhưng vất vả suốt đêm mà không bắt được con cá nào. Đến gần sáng, các ông
    chèo thuyền vào gần bờ thì có một người lạ đứng trên bờ hỏi các ông có bắt được gì không và bảo
    các ông thả lưới bên phải thuyền, các ông làm theo đề nghị đó, và thật lạ lùng, cá đâu nhiều đến
    nỗi không sao kéo thuyền vào được.
  3. Tin Mừng còn cho biết, các môn đệ bắt được 153 con cá lớn mà lưới không bị rách. Các
    nhà chú giải Thánh Kinh vẫn xem con số 153 là tượng trưng cho 153 loài cá dưới biển. Cũng cần
    phải nói thêm rằng, chi tiết “lưới nhiều cá mà không bị rách, thuyền chở nặng gần chìm” cũng là
    một ý nghĩa biểu tượng mà tác giả Tin Mừng muốn chuyển tải. Giáo hội qui tụ muôn dân nhưng
    vẫn đủ chỗ, không bao giờ thiếu chỗ cho các công dân gia nhập Nước Trời, và ân sủng của Thiên
    Chúa mà các chứng nhân mang đến cho mọi người không bao giờ bị vơi.
  4. Đức Giêsu đã chọn các Tông đồ để họ tiếp tục sứ mệnh của Ngài. Nhưng rồi trong cuộc
    sống theo Chúa, cũng có những lúc thăng trầm, nhất là các ông đã bị thử thách nặng nề với cái
    chết của Đức Giêsu trên Thập giá. Đó là mầu nhiệm mà lúc đầu các ông không hiểu, mặc dầu
    nhiều lần Đức Giêsu đã loan báo và giải thích về cái chết có giá trị cứu rỗi của Ngài.
    Trong lúc các ông trở về với nghề cũ tại biển hồ Tibêria và tâm hồn chở đợi một dấu lạ gì
    đó từ Chúa Giêsu Phục sinh. Chính lúc đó, Đức Giêsu hiện ra, và một lần nữa, Ngài thực hiện
    phép lạ mẻ cá lạ lùng để qua đó Ngài tái xác nhận rằng Thiên Chúa không thay đổi chương trình
    cứu rỗi của Ngài; Ngài vẫn trung thành với lời mời gọi và sứ mệnh đã trao cho các môn đệ. Con
    số 153 con cá ở đây tượng trưng cho mọi dân tộc trên thế giới, đã đến lúc các Tông đồ phải làm
    chứng cho Chúa nơi mọi dân tộc (Mỗi ngày một tin vui).
  5. Qua phép lạ mẻ lưới lạ lùng, Đức Giêsu muốn bảo cho các Tông đồ biết trước Giáo hội
    của Ngài sẽ được phổ biến khắp nơi dưới quyền lãnh đạo của Phêrô và không quyền lực nào có
    thể làm cho tan rã vì Giáo hội của Ngài được xây trên nền tảng vững chắc. Vì danh Chúa, các ông
    phải mạnh dạn tuyên xưng đức tin và bảo vệ Giáo hội :”Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời
    người phàm” (Cv 5,29).
    Bài học mà Chúa dạy các môn đệ hôm nay là các ông phải tùy thuộc vào ơn Chúa và
    quyền năng của Ngài, chứ không dựa vào khả năng chuyên môn của mình. Trong việc thi hành
    chương trình cứu độ, Chúa dùng các ông như những dụng cụ tầm thường nhưng dụng cụ ấy lại
    hữu hiệu khi biết vâng theo ý Chúa và nhiệt tình cộng tác dưới sự hướng dẫn của Ngài.
  6. Đức Giêsu Phục sinh tuy không còn hiện diện một cách xác thể để các môn đệ có thể
    chạm đến Ngài, nhưng Ngài vẫn hiện diện với họ một cách vô hình :”Thầy sẽ ở với các con mọi
    ngày cho đến tận thế”, và chắc chắn sẽ xuất hiện đúng lúc để giúp cho công việc đã trao cho họ
    được trổ sinh hoa trái. Điều cần thiết là họ phải tuân theo mệnh lệnh của Ngài, bởi vì “Không có
    Thầy, các con không thể làm gì được”.
  7. Chúng ta đã từng cảm thấy vô vọng trước những hoàn cảnh đau khổ, thiếu thốn, lo lắng,
    gian nan… trong cuộc sống, trong hành trình ra khơi với trách nhiệm, với sứ vụ. Hãy tin vào sức
    mạnh tình yêu của Thiên Chúa, Ngài sẽ thay đổi được tất cả, dù với chỉ hạt bụi : Trở nên người
    sống động theo hình ảnh của Thiên Chúa (St 2,7) hòn đá có thể trở nên con cái Abraham (x. Mt
    3,9).
  8. Truyện : Ngài đi đâu đó ?
    Câu chuyện “Quo vadis” được kể như sau : Phêrô đến Rôma giữa lúc hoàng đế Nêrông
    đang bắt bớ đạo. Nhiều người đã chịu tử đạo. Tình thế nguy kịch, các tín hữu khuyên Phêrô chạy
    trốn ra khỏi thành, để còn người duy trì và giữ vững đạo Thánh.
    Khi ra khỏi cổng, Phêrô gặp Chúa vác thập giá đi vào thành Rôma. Ông lên tiếng hỏi
    :”Quo vadis”, nghĩa là Ngài đi đâu đó ? Chúa trả lời :”Thầy đi vào Rôma để cho người ta đóng
    đinh một lần nữa”. Ông chợt hiểu và quay lại Rôma. Ông an ủi và giúp đỡ các tín hữu sắp chịu
    cực hình giữ vững niềm tin.
    Sau khi chứng kiến các tín hữu bị làm mồi cho thú dữ ăn thịt, bị hỏa thiêu trên một rừng
    thập giá, thì chính ông cũng bị đóng đinh ngược, đầu quay xuống đất, theo lời ông xin, vì ông
    nghĩ mình không xứng đáng được đóng đinh như Thầy.

Lm Giuse Đinh Lập Liễm
Đà Lạt