Thứ Sáu Trong Tuần Bát Nhật

GẶP CHÚA GIÊSU TRONG CÔNG VIỆC THƯỜNG NGÀY

(Cv 4:1-12; Ga 21:1-14)

Sự can đảm của Thánh Phêrô để làm chứng cho Chúa Giêsu lại được chứng tỏ ngày hôm
nay trước những người mà trước kia thánh nhân rất sợ hãi. Điều này cho thấy sự kiện
phục sinh đã thật sự mang lại một sự biến đổi tận căn nơi Thánh Phêrô. Trong bài đọc 1
hôm nay, chúng ta thấy hai phản ứng khác nhau trước phép lạ và lời giảng dạy của
Thánh Phêrô và Gioan. Đây là điều chúng ta thấy thường xảy ra cho Chúa Giêsu. Thật
vậy, bài giảng của Phêrô và Gioan làm cho các tư tế, viên lãnh binh đền thờ và các người
thuộc nhóm phản ứng cách giận dữ và chống đối; trong khi đó “trong đám người nghe
lời giảng, có nhiều kẻ đã tin theo, chỉ riêng số đàn ông đã lên đến chừng năm ngàn” (Cv
4:4). Chi tiết quan trọng thứ hai xảy ra cho Chúa Giêsu được lặp lại trong cuộc đời của
Thánh Phêrô và Gioan được trình bày trong bài đọc 1 là “bị luận tội trước công hội”:
“Hôm sau, các thủ lãnh Do thái, các kỳ mục và kinh sư họp nhau tại Giêrusalem. Có cả
thượng tế Khanan, các ông Caipha, Gioan, Alêxanđê và mọi người trong dòng họ thượng
tế” (Cv 4:5-6). Tuy nhiên, giống với thầy mình, các môn đệ can đảm làm chứng cho sự
thật và trong lời làm chứng của mình, Thánh Phêrô đã khẳng định một chân lý quan
trọng trong tín điều của Kitô Giáo, đó là “Ngoài Người [Đức Kitô] ra, không ai đem lại ơn
cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để
chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ” (Cv 4:10-12). Điều này khẳng định vị trí
quan trọng của Chúa Giêsu trong cuộc đời của mỗi người chúng ta, không chỉ cho sự
sống đời này mà còn cho sự sống vĩnh cửu. Nếu Chúa Giêsu quan trọng như thế, liệu
Ngài có chiếm được chỗ trung tâm trong ngày sống của chúng ta không?
Chúng ta tiếp tục nghe trong tuần này những trình thuật về những lần hiện ra của Chúa
Giêsu với các môn đệ của Ngài. Bối cảnh của bài Tin Mừng hôm nay nhắc cho chúng ta
nhớ lại bối cảnh của mẻ cá lạ lùng được Thánh Luca thuật lại (Lc 5:1-11). Những chi tiết
giống nhau trong hai trình thuật này bao gồm: các môn đệ đánh cá suốt đêm mà không
bắt được gì, Chúa Giêsu ra lệnh cho các ông thả lưới, bắt được nhiều cá, Thánh Phêrô
phản ứng trước mẻ cá bắt được, cá là biểu tượng của sứ mệnh của các môn đệ, và điều
kiện của lưới. Bên cạnh những điểm giống trên là những chi tiết khác nhau sau: vị trí của
thuyền, vị trí của Chúa Giêsu so với chiếc thuyền, bản chất phản ứng của Phêrô, điều
kiện thực sự của lưới, và sự hiện diện của các thuyền khác đến giúp.
Điều làm chúng ta ngạc nhiên trong bài Tin Mừng hôm nay đó là sự kiện các môn đệ
không nhận ra Chúa Giêsu dù đây là “lần thứ ba Đức Giêsu tỏ mình ra cho các môn đệ,
sau khi trỗi dậy từ cõi chết” (Ga 21:14). Làm sao các ông không thể nhận ra Chúa Giêsu
khi Ngài đã hiện ra cho họ hai lần rồi? Điều này khẳng định rằng sự sống phục sinh của
Chúa Giêsu có gì đó hoàn toàn mới đến nỗi các môn đệ đã sống với Ngài ba năm và đã
chứng kiến hai lần Ngài hiện ra mà không nhận ra Ngài. Điều giúp họ nhận ra Chúa Giêsu
Phục Sinh chính là “bối cảnh rất quen thuộc” của đời sống hằng ngày của họ. Như vậy,
đời sống mới trong Chúa Giêsu Phục Sinh không đưa chúng ta ra khỏi thực tại đang
sống, nhưng biến đổi thực tại đó và làm cho nó trở thành nơi chúng ta gặp Ngài. Nói cách
khác, những công việc chúng ta làm mỗi ngày chính là phương tiện biến đổi chúng ta và
giúp chúng ta nhận ra đời sống mới trong Đức Kitô Phục Sinh.
Chúng ta cùng nhau phân tích ba phần của bài Tin Mừng hôm nay để rút ra những bài
học hữu ích cho ngày sống của chúng ta. Phần 1 (Ga 21:1-3) nói cho chúng ta về hoàn
cảnh và tâm trạng của Phêrô và các môn đệ sau biến cố Phục Sinh. Trong phần này,

chúng ta thấy Phêrô là người “quyết định việc đi đánh cá” và các môn đệ khác hưởng
ứng. Qua chi tiết này, Thánh Gioan ám chỉ đến vị trí đứng đầu của Thánh Phêrô. Chúng ta
không biết lý do đằng sau quyết định đi đánh cá của Phêrô là gì. Có hai khả thể xảy ra:
một là vì Phêrô muốn trở lại kinh nghiệm ban đầu, kinh nghiệm mà qua đó ông đã gặp
và đáp lại tiếng Chúa Giêsu mời gọi theo Ngài hầu củng cố lại sự dấn thân của mình;
nhưng cũng có thể là ông đã mệt mỏi với việc theo Chúa Giêsu, Đấng bị đóng đinh, nên
muốn trở lại với đời sống trước kia mà ông đã bỏ để đi theo Chúa Giêsu. Tuy nhiên, chi
tiết quan trọng ở đây chính là họ đã nỗ lực suốt đêm hôm đó mà không bắt được gì (Ga
21:3). Hình ảnh đánh cá được đặt nằm trong bối cảnh “Chúa Giêsu lại tỏ mình ra cho các
môn đệ.” Điều này ám chỉ đến việc tìm Chúa trong công việc hằng ngày. Nhưng nhiều khi
chúng ta nỗ lực tìm trong “bóng đêm,” trong đêm đen của nỗ lực con người nên chúng ta
không thấy. Chỉ với ánh sáng của Chúa Giêsu mang lại, chúng ta mới có thể bắt được
nhiều cá. Đây là chi tiết nối kết phần 1 với phần 2.
Phần 2 (Ga 21:4-8) bắt đầu với câu: “Khi trời đã sáng.” Điều này cho chúng ta thấy chỉ
trong ánh sáng sự hiện diện của Chúa Giêsu, dù là một sự hiện diện không “được nhận
ra,” chúng ta mới có thể đạt được những thành quả lớn trong những công việc mình làm.
Chúng ta cũng thấy trong phần này thái độ của Chúa Giêsu. Ngài bình thản đồng hành
với các ông. Ngài không vội vàng trong việc tỏ mình ra. Ngài sử dụng những kinh nghiệm
hằng ngày của họ để giúp họ nhận ra Ngài. Đây chính là điều chúng ta cần ý thức trong
cuộc sống khi chúng ta đi tìm kiếm Chúa. Không phải là chúng ta nỗ lực tìm mọi cách để
nhận ra Chúa, nhưng chính Ngài tìm mọi cách để giúp chúng ta nhận ra Ngài. Trong
trường hợp này, người môn đệ được Chúa yêu nhận ra Ngài qua mẻ cá, còn Phêrô nhận
ra Chúa Giêsu qua lời chứng của người môn đệ được Đức Giêsu thương mến. Chúa Giêsu
dùng những người khác và các sự kiện trong cuộc sống để giúp chúng ta nhận ra Ngài.
Liệu chúng ta có muốn để cho mình bị Ngài thuyết phục không?
Trong phần 3, chúng ta thấy có sự “hoà lẫn giữa cá [và bánh] được Chúa Giêsu chuẩn bị”
và “cá mới bắt được” (Ga 21:9-10). Đây chính là sự hoà quyện không thể tách rời của
mầu nhiệm Giáo Hội; và đây cũng chính là sự hoà quyện của “ơn Chúa” và “nỗ lực của
con người dưới sự hướng dẫn của Chúa.” Trong phần này, có hai hình tượng chúng ta
cần lưu ý đó là con số “một trăm năm mươi ba con” và hành động của Chúa Giêsu “cầm
lấy bánh trao cho các ông.” Hình ảnh thứ nhất về “một trăm năm mươi ba con” đại diện
cho tất cả các dân tộc trên thế giới. Điều này ám chỉ đến sứ mệnh và tính phổ quát của
Giáo Hội: trong Giáo Hội, mọi dân tộc [mọi người] đều tìm thấy chỗ của mình. Điều này
mời gọi chúng ta hãy mở rộng con tim của mình để cũng có thể khẳng định rằng: trong
trái tim của tôi, ai cũng có chỗ. Hình ảnh thứ hai quá quen thuộc với chúng ta, đó là hình
ảnh về Bí Tích Thánh Thể. Khi Chúa Giêsu cầm bánh và cá trao cho các môn đệ, “không ai
trong các môn đệ dám hỏi “Ông là ai?”, vì các ông biết rằng đó là Chúa” (Ga 21:12). Điều
này có thật sự xảy ra cho chúng ta không? Nếu điều này xảy ra cho chúng ta, tại sao cuộc
sống của chúng ta vẫn không có thay đổi?